DU LỊCH PHÚ YÊN TRẢI NGHIỆM VÙNG ĐẤT “HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH”
Phú Yên nằm trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi. Với vị trí địa lý đặc biệt, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và hệ thống di sản văn hóa phong phú tạo tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế du lịch. Thời gian qua, du lịch Phú Yên đang quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, nỗ lực thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch, từng bước hình thành thương hiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước. Vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh” hiện đang được ví như một “nàng công chúa đang thức giấc” với nhiều tiềm năng, lợi thế vốn có đang được khai thác, bảo tồn để phát triển du lịch. Hiện nay, Phú Yên đang là điểm đến được nhiều du khách chọn lựa trong hành trình du lịch vùng Nam Trung Bộ.
Thiên nhiên tươi đẹp, di sản, ẩm thực phong phú – tiềm năng du lịch hấp dẫn của miền đất “hoa vàng trên cỏ xanh”
Phú Yên là tỉnh duyên hải miền Trung nằm giữa hai dãy đèo lớn của đất nước: đèo Cù Mông ở phía Bắc và đèo Cả ở phía Nam, đồng thời nằm trên trục giao thông xuyên quốc gia với hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy rất thuận lợi, gồm có: quốc lộ số 1 và đường sắt Bắc – Nam chạy qua, quốc lộ số 25 nối liền với vùng Tây Nguyên, quốc lộ số 29 nối liền cảng biển quốc tế Vũng Rô với cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk). Phú Yên có sân bay Tuy Hòa hiện đại đủ điều kiện đón khách trong nước và quốc tế. Cảng biển Vũng Rô có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, lại là cửa ngõ lớn thông ra biển Đông của cả vùng Tây Nguyên và các nước trong khu vực thuộc bán đảo Đông Dương.
Với vị trí địa lý có bờ biển dài trên 190 km, lại có núi và biển liền kề nên địa chất, địa mạo, địa hình Phú Yên rất đa dạng và phong phú đã tạo nên những danh lam, thắng cảnh đẹp gồm nhiều vịnh, đầm, gành, mũi mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ mà hấp dẫn như: Đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài… Đặc biệt là danh thắng gành Đá Đĩa nổi tiếng bởi hiện tượng địa chất hết sức ly kỳ độc đáo, hiếm có với những khối đá mặt hình lục giác có màu đen bóng, gắn chặt với nhau tựa những thỏi sáp ong khổng lồ được xếp cùng đều đặn, tổng thể tạo nên một khối lớn vững chắc, tuyệt đẹp rất kỳ lạ. Địa danh gành Đá Đĩa hấp dẫn, thu hút hầu hết du khách khi ghé thăm đều không quên check in, lưu giữ lại kỷ niệm về khung cảnh đẹp có cả nắng và gió của miền biển Phú Yên. Bãi Môn – Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh Phú Yên) là điểm cực Đông trên đất liền, nơi đón ánh bình minh đầu tiên sớm nhất của Tổ quốc. Chính những vịnh, đầm, gành, mũi và những bãi tắm biển… còn mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, nhưng rất kỳ thú đã tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế tìm đến với Phú Yên.
Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên vốn có, Phú Yên còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và có chiều sâu đa tầng văn hóa, nơi lưu giữ ký ức lịch sử, những địa danh vốn nổi tiếng đã gắn liền với tên tuổi của các tướng lĩnh, danh nhân lịch sử trong hành trình đi mở cõi giang sơn và giữ nước. Đá Bia gắn với truyền thuyết hành trình mở cõi về phương Nam của vua Lê Thánh Tông; Đền thờ Lương Văn Chánh, tưởng nhớ công ơn vị khai quốc công thần của Phú Yên; Đền thờ nhà chí sĩ yêu nước Lê Thành Phương; Thành An Thổ, nơi sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; Núi Chóp Chài, nơi quân và dân Phú Yên giải thoát Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ; Khu di tích Tàu Không số Vũng Rô; khu di tích Núi Nhạn – Tháp Nhạn…
Phú Yên có hệ thống di sản văn hóa quý báu gồm: 77 di tích được xếp hạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 185 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 4 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (gồm Nghệ thuật bài chòi; Lễ hội cầu ngư; Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; Lễ cúng trưởng thành của người Ê đê). Đặc biệt, Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa và hòa hợp hài hòa giữa nền văn hóa Việt – Chăm được thể hiện với sự tồn tại của ngôi Tháp Nhạn – Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt, điểm đến lý thú của du khách đang hiện hữu ngay trong lòng thành phố Tuy Hòa và Thành Hồ cổ kính. Đặc biệt là di sản Văn hóa Đá với các di tích danh thắng quốc gia Núi Đá Bia, chùa Đá Trắng, tiêu biểu là bộ Kèn đá và Đàn đá Phú Yên có niên đại cách đây khoảng 2.500 năm, một báu vật quý hiếm trong kho tàng di sản văn hóa của nước ta hiện còn đang được lưu giữ, bảo quản. Phú Yên còn có những làng nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời, kỹ thuật làng nghề chứa đựng nét văn hóa rất đặc trưng như nghề chế biến nước mắm, làm sản phẩm mỹ nghệ từ ốc đá, vỏ gáo dừa…; nhiều lễ hội truyền thống có giá trị của cư dân vùng biển, đặc trưng như Lễ hội cầu ngư, các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ, hè vè rất đặc sắc như Hò bài chòi, Hò khoan, Hò bả trạo, Hò kéo lưới… chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc mang đặc trưng riêng của cư dân vùng biển được cộng đồng bảo tồn, khôi phục, phát huy và thể hiện sinh động trong đời sống văn hóa hiện nay.
Đến với Phú Yên, du khách được thưởng thức một thế giới ẩm thực rất giàu hương vị của cả rừng và biển, đó là những đặc sản nổi tiếng, các món ăn hấp dẫn như: ốc nhảy Sông Cầu, ghẹ đầm Cù Mông, sò huyết và hàu đầm Ô Loan, cua huỳnh đế, gỏi bao tử cá ngừ, cá ngừ đại dương, gỏi sứa, chả dông, bò một nắng, mực một nắng, bánh tráng thịt heo luộc Hòa Đa, cơm gà, cà phê Tuy Hòa, thưởng thức hương vị thơm ngon của các loại nước mắm hảo hạng, thứ thiệt. Trong số đó, có 2 đặc sản được bình chọn trong top 10 đặc sản hải sản ngon nổi tiếng của Việt Nam là cá ngừ đại dương và sò huyết Ô Loan. Đặc biệt khi đi du lịch trên bãi biển, chúng ta còn được thưởng thức các món: gỏi cá mai, bún mực, lẩu mực, cháo mực… hoặc các loại hải sản tươi ngon như tôm, cua, cá, ghẹ, bề bề… do cư dân đi biển trở về mang đến, gọi mời thân mật.
Không chỉ có tài nguyên thiên nhiên biển đảo, di sản văn hóa và ẩm thực phong phú, miền đất Phú Yên còn có những vùng nông thôn yên ả, thanh bình, êm đềm và trù phú với những cảnh đẹp lãng mạn đến nao lòng. Đó là những vùng quê thôn dã, nơi có những cánh đồng bát ngát, những vạt đồi hoang sơ xanh rì, những con đường làng và những ngôi nhà miệt vườn nông thôn mới đẹp như một bức tranh thủy mặc cứ hiển hiện trên miền đất trù phú bên cạnh biển, lại được đan xen với rừng nguyên sơ, với núi và có cả những vách đá nghiêng mình cheo leo tuyệt đẹp. Vẻ đẹp nông thôn Phú Yên cũng là bối cảnh đã góp phần tạo nên những thước phim trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đẹp mãn nhãn, nên thơ. Và cũng từ khi bộ phim được trình chiếu ra mắt công chúng, thương hiệu vùng đất Phú Yên trải thảm “hoa vàng trên cỏ xanh” đã hút hồn du khách bởi những vẻ đẹp vừa hoang xơ, vừa huyền bí và lãng mạn.
Với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, tài sản di sản văn hóa vật thể phi vật thể phong phú sinh động, cảnh đẹp thanh bình, thơ mộng nên thơ của làng quê Phú Yên cùng với ẩm thực rất hấp dẫn thực khách… và quan trọng hơn cả là tình người cư dân vùng biển chất phác, mộc mạc, đôn hậu và giàu lòng mến khách là những lợi thế đã tạo cho Phú Yên một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, dịch vụ. Đây cũng là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để Phú Yên tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch của mình đến du khách trong nước và ngoài nước.
Nội lực và thách thức để du lịch Phú Yên phát triển
Trong những năm qua, mặc dù là tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế du lịch Phú Yên chậm phát triển hơn so với toàn vùng, nhưng tỉnh đã chủ động nỗ lực huy động nhiều được nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển các Tour du lịch Phú Yên, chú trọng bảo tồn, khôi phục phát huy các giá trị văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch. Hoạt động quảng bá du lịch Phú Yên đã được chú trọng thông qua việc tổ chức các chương trình hoạt động xúc tiến quảng bá trong nước, ngoài nước như xây dựng các ấn phẩm quảng bá du lịch; website Du lịch Phú Yên; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, giao lưu về phát triển du lịch. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên đã chủ động thường xuyên giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, cơ hội, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên đến cộng đồng các doanh nghiệp, các Hiệp hội Du lịch trong và ngoài tỉnh Phú Yên để mở rộng tiềm năng đầu tư.
Song song với việc quảng bá du lịch, tỉnh chú trọng khai thác và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch có tính đặc thù phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của tỉnh. Phú Yên đã quan tâm chú trọng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch biển đảo, văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng đặc biệt, sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực đặc sản Phú Yên được nhiều du khách ưa chuộng. Phú Yên đang từng bước nỗ lực để du lịch trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong hành trình liên kết phát triển du lịch vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ, cũng như với cả nước và quốc tế.
Sản phẩm du lịch lưu trú Phú Yên về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách đi tour, một số khu du lịch đã tạo ra những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, thu hút nhiều đối tượng khách có khả năng chi trả cao. Với những nỗ lực của toàn ngành: lượng khách đi tour Phú Yên giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân 20%/năm, trong đó khách quốc tế tăng trưởng khoảng 10%/năm; doanh thu du lịch Phú Yên thuần túy tăng 30%. Năm 2014, tổng lượt khách du lịch đến khoảng 755.200 lượt; năm 2015, tổng lượt khách du lịch khoảng 900 lượt (đạt 100% kế hoạch), tăng 19,2% so với năm 2014, trong đó khách quốc tế khoảng 45.000 lượt, doanh thu Tour du lịch Phú Yên thuần túy khoảng trên 850 tỷ đồng. Từ năm 2016-2019, khách du lịch đến Phú Yên tăng trưởng đều từ 15-30%/năm. Năm 2016, tổng lượt khách hơn 1,17 triệu lượt; năm 2017, tổng lượt khách hơn 1,4 triệu lượt; năm 2018 hơn 1,6 triệu lượt. Đến năm 2019, có hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch đến Phú Yên, đạt 110,9% kế hoạch năm, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước 45.050 lượt, đạt 99,3% kế hoạch năm, tăng 9,8% so với năm 2018. Doanh thu trong hoạt động du lịch là 1.940 tỉ đồng, đạt 102,1% kế hoạch năm, tăng 24,6% so cùng kỳ năm 2018. Riêng năm 2020-2021, du lịch Phú Yên cũng chịu ảnh hưởng chung của du lịch Việt Nam và du lịch toàn cầu do đại dịch COVIT-19 bùng phát, nguồn thu từ du lịch sụt giảm đáng kể. Những kết quả đạt được từ kinh tế du lịch Phú Yên đã đóng góp rất lớn nhằm phát triển kinh tế của toàn tỉnh cũng như cải thiện, nâng cao đời sống cho cư dân địa phương.
Mặc dù đã khai thác và phát huy nội lực, tiềm năng sẵn có, nhưng du lịch Phú Yên vẫn còn những thách thức, bất cập. Phú Yên là một trong số ít những tỉnh có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên với những thắng cảnh đẹp và di sản văn hóa phong phú, đặc biệt từ sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được trình chiếu trên màn ảnh, Phú Yên trở thành một điểm đến hấp dẫn, được nhiều người biết và muốn tìm đến du lịch để khám phá miền đất này. Tuy nhiên, trên thực tế so với các tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ thì du lịch Phú Yên vẫn chưa phát triển mạnh, còn ở mức khiêm tốn, lượng khách đến không tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn đã sẵn có.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do Phú Yên có nhiều lợi thế về thắng cảnh thiên nhiên và di sản văn hóa nhưng lại chưa tận dụng khai thác, phát huy hết tiềm năng du lịch do sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng. Hầu hết các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào tài nguyên có sẵn mà chưa có sự đầu tư thỏa đáng của con người để tạo thành những sản phẩm có thương hiệu riêng, mang nét đặc trưng vốn có của Phú Yên; cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú còn chưa đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển du lịch. Số lượng đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế còn ít, số lượng cơ sở lưu trú ở Phú Yên cũng còn hạn chế, cơ sở lưu trú dịch vụ cao cấp chưa nhiều, kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển nên chưa đủ khả năng đáp ứng với cả số lượng khách và nhu cầu khách có mức chi tiêu cao. Tại các khu danh lam thắng cảnh, các điểm đến cũng chưa có nhiều các các cơ sở dịch vụ khép kín hoàn hảo đi kèm để phục vụ du khách trải nghiệm, khám phá. Chính những yếu tố chưa thuận lợi này khiến cho du lịch Phú Yên còn phát triển khiêm tốn, chưa cất cánh một cách, bứt phá mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến Phú Yên hàng năm vẫn ở mức khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành khác trong khu vực, chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, phong cảnh cảnh đẹp hấp dẫn. Để du lịch Phú Yên phát triển, rất cần có những giải pháp mang tính đột phá, khả thi.
Để du lịch Phú Yên cất cánh, tỏa sáng trong hành trình du lịch vùng Nam, Trung Bộ – Tây Nguyên
Thực hiện Nghị quyết số 128/NĐ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Việt Nam mở cửa đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong xu thế phát triển của du lịch, với nhiều lợi thế và ưu đãi về thắng cảnh thiên nhiên, Phú Yên được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Để du lịch Phú Yên cất cánh, phát triển cần thực hiện một số nội dung:
Một là, chú trọng đầu tư một cách bài bản để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm quy hoạch phát triển du lịch bền vững, tạo cơ chế chính sách hợp lý nhằm kêu gọi các nhà đầu tư lớn có tầm nhìn dài hạn đầu tư khai thác phát triển du lịch; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho công tác xúc tiến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú và các dịch vụ phát triển du lịch; thực hiện tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp cho hệ thống di tích quốc gia và di sản văn hóa để bảo tồn, gắn kết với khai thác phục vụ phát triển du lịch.
Hai là, cần quan tâm việc xây dựng thương hiệu du lịch, sản phẩm du lịch có chất lượng. Chú trọng đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch có chất lượng; dựa trên tài nguyên thiên nhiên và tài sản văn hóa, khai thác hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch Phú Yên để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong đó, cần phải xác định ưu tiên lấy dòng du lịch biển đảo và du lịch di sản văn hóa vốn có lợi thế sẵn có làm cơ sở nền tảng để phát triển các thương hiệu, sản phẩm du lịch chất lượng mang tính đặc thù riêng của Phú Yên, có sức cạnh tranh trong thị trường du lịch.
Ba là, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Phú Yên. Đa dạng các hoạt động, phương thức quảng bá, nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch thông qua nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề về xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; mạnh dạn đề xuất đăng cai tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, kết nối, liên kết xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm đến tại các thị trường du lịch có tiềm năng trong nước và nước ngoài.
Bốn là, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan và giá trị di sản văn hóa: Tài nguyên du lịch thiên nhiên Phú Yên vẫn còn nguyên sơ, di sản văn hóa vẫn được chú trọng bảo vệ, hiện chưa bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực do khai thác từ du lịch. Chính vì vậy, phải đặc biệt chú trọng bảo vệ tài sản thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng di tích, di sản văn hóa để thu hút khách du lịch. Phải giữ thế cân bằng, hài hòa trong phát triển, không nóng vội trong khai thác phát triển du lịch, không đánh đổi phát triển kinh tế từ du lịch làm xâm hại, tổn thương đến tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa. Có như vậy, mới bảo vệ, phát huy nguồn tài nguyên quý báu được ví như những viên ngọc thô rất đẹp của Phú Yên mà không dễ nơi nào cũng có được.
Năm là, chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, phép ứng xử văn minh trong du lịch đối với cả cộng đồng và du khách tham gia du lịch. Hình thành một cộng đồng du lịch văn minh thân thiện, luôn có ý thức xây dựng nếp sống văn hóa và thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường để du lịch Phú Yên phát triển theo hướng bền vững gắn kết với bảo vệ tài nguyên và môi trường, phấn đấu từng bước trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ, cũng như cả nước và quốc tế./.